Thứ Hai, 19 tháng 8, 2013

Tâm Tình Hiến Dâng- giảng luạn


TÂM TÌNH HIẾN DÂNG.
                                                                                         Mục sư Lê Vinh Thành.
                   ( Chia sẻ Chủ Nhật 18/8/2013 tại Hội Thánh Báp-Tít Độc Lập Việt Nam)

Kinh thánh:
Sáu ngày trước lễ Vượt Qua, Đức Chúa Jêsus đến làng Bê-tha-ni là nơi ở của La--xa-rơ, người mà Ngài đã khiến từ cõi chết sống lại. Họ dọn tiệc đãi Ngài tại đó. Ma-thê phục vụ, còn La-xa-rơ là một trong số những người ngồi cùng bàn với Ngài. Ma-ri lấy một cân dầu cam tùng nguyên chất rất quý giá xức chân Đức Chúa Jêsus, rồi dùng tóc mình lau chân Ngài. Mùi dầu thơm tỏa khắp nhà. Nhưng một trong các môn đồ của Đức Chúa Jêsus là Giu-đa-ích-ca-ri-ốt, kẻ sau nầy phản Ngài, nói rằng: “ Sao không bán dầu thơm nầy lấy ba trăm đơ-ni-ê để cho người nghèo? ”Anh ta nói vậy không phải vì quan tâm đến người nghèo, nhưng vì vốn là một tên trộm cướp, lại giữ túi tiền, nên anh ta thường lấy trộm tiền mà người ta bỏ vào đó. Đức Chúa Jêsus bảo: “ Hãy để cô ấy yên, vì cô ấy đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn cất Ta. Các con luôn có người nghèo ở với mình, nhưng các con không có Ta mãi đâu.”( Giăng 12:1-8 ).
Bài giảng:
I. Bối cảnh câu chuyện: 
 Trong thời  kỳ Cựu Ứơc Đức Chúa Trời bảo dân Y-sơ-ra-ên mỗi nhà giết  con chiên đực hoặc con dê đực một năm tuổi, không tì vết lấy huyết bôi lên hai thanh dọc và thanh ngang cửa ra vào của nhà nào ăn thịt con chiên đó. Đêm đó, Chúa sẽ đi khắp xứ Ai-cập hành hại con đầu lòng của Ai-cập kể cả súc vật. Khi thấy huyết bôi lên cửa của nhà nào, Chúa sẽ vượt qua và sẽ không có tai nạn nào giáng xuống tiêu diệt dân Y-sơ-ra-ên, để  họ  rời khỏi kiếp sống nô lệ ở Ai-cập mà tiến vào chiếm lĩnh vùng Đất Hứa. Từ đó, về sau hằng năm dân Do-thái tổ chức Lễ Vượt Qua để tưởng nhớ Giê-hô-va Đức Chúa Trời đã giải cứu họ ( Xuất 12:1-28).
Sự kiện trên là hình bóng về sự chuộc tội của Đức Chúa Jêsus. Chúa Jêsus là  “Chiên Con của Đức Chúa Trời” ( Giăng 1:29) đến thế gian bị giết bằng cách đóng đinh Ngài trên cây thập tự giá. Huyết vô tội của Ngài đổ ra để gánh tội lỗi của nhân loại, nếu ai tin Ngài thì sẽ được tha thứ tội lỗi.
 - Làng Bê-tha-ni: Cách thành Giê-ru-sa-lem khoảng ba ký-lô-mét ( Giăng 11:18). Nơi đây Chúa Jêsus đã tạo mối quan hệ tốt với một số gia đình. Chúa đã dạy Đạo cho Ma-ri và Ma-thê. Chúa yêu thương một số người và gọi họ là “ bạn của chúng ta” ( Giăng 11:11).Chúa chữa bệnh phong hủi cho Si-môn. Chúa làm cho La-xa-rơ sống lại sau khi đã chết bốn ngày. Vì vậy, các thầy tế lễ cả và người Pha-ri-si  họp Hội Đồng Công luận để lập âm mưu giết Ngài, vì sợ dân Do-thái bỏ họ theo Ngài, làm ảnh hưởng tiêu cực đến vị trí và quyền lợi của họ.
 - Câu chuyện diễn ra trong một bữa tiệc do những người yêu mến Chúa ở làng Bê-tha-ni thết đãi Ngài để tỏ lòng  cảm ơn Chúa đã cứu chữa cho họ.
II. Nội dung câu chuyện
-         La-xa-rơ là người Chúa yêu thương, Chúa nói với các môn đồ:”La-xa-rơ  bạn của chúng ta…” . Người đã chết bốn ngày được Chúa cứu sống, đang ngồi dự tiệc với Ngài., là  anh trai của Ma-thê và Ma-ri. Hai người phụ nữ được ký thuật trong phúc-âm Lu-ca 10:38-42.
-         Ma-ri là một phụ nữ sống nội tâm, từ tốn. Khi Chúa đến nhà, lúc đó, Ma-thê thì ra tiếp đón Chúa Jêsus và bận rộn với việc phục vụ. Còn Ma-ri thì ở trong nhà, nhưng khi Chúa Jêsus vào nhà thì Ma-ri đến ngồi dưới chân Chúa để lắng nghe Lời Ngài. Theo Chúa thì Ma-thê lo lắng và bối rối nhiều việc, còn Ma-ri đã chọn lấy phần tốt, là phần không ai đoạt lấy của nàng được. Trong Giăng 11: 1-45, khi Chúa Jêsus đến để cứu La-xa-rơ, Ma-thê ra đón Chúa, lúc ấy Ma-ri ở trong nhà; Nhưng khi Chúa gọi thì Ma-ri bước đến phục dưới chân Ngài và nói: “ Thưa Chúa, nếu có Chúa ở đây thì anh con không chết”   ( Giăng 11:32).
Ma-ri mau nghe, chậm nói, tư tưởng tập trung, biết nắm lấy cơ hội.
Từ chỗ lĩnh hội tốt, thông suốt chương trình cứu rỗi của Chúa, khi hành động Ma-ri đã chọn một món quà tốt nhất, đó là một cân dầu cam tùng nguyên chất. Một loại hương liệu quý giá xức chân Đức Chúa Jêsus và dùng tóc mình lau chân Ngài. Đôi chân là nơi thấp nhất trong thân thể của Chúa Jêsus, nơi đó thường dính bụi, nhưng lại là nơi có giá trị bậc nhất đối với Ma-ri. Vì tại đó Ma-ri đã thấy mình chỉ đủ  ngồi dưới bệ chân của Ngài. Mái tóc của Ma-ri là nơi tôn vinh vẻ đẹp và sự quý trọng của con người, nhưng Ma-ri đã thấy sự quý trọng dưới đôi chân của Chúa Jêsus hơn vinh quang của mình. Sự yêu thương của Chúa Jêsus dành cho gia đình Ma-ri vượt trên tất cả những gì Ma-ri có về vật chất cũng như tinh thần và tâm linh để trả ơn cho Chúa.Chúa Jêsus đã giảng về Tin Lành  cho Ma-ri, Chúa Jêsus đã cứu sống người anh trai của mình là La-xa-rơ, sắp nữa đây Chúa Jêsus sẽ chết để chuộc tôi cho Ma-ri. Ma-ri đã dùng dầu cam tùng để ướp xác Chúa Jêsus, Ma-ri đã dâng hiến nhưng cô không nói về giá trị thật của cân dầu cam tùng, cô không tiếc  khi cô dâng hiến cho Chúa, cô không quan tâm đến những người chung quanh suy nghĩ gì về hành động của mình. Vượt lên trên điểm cao nhất là sự tỏ lòng biết ơn Chúa và dâng hiến những gì tốt nhất cho Ngài. Viết đến đây tôi nhớ đến lời một  bài hát từ trái tim của  một cơ đốc nhân, một nhạc sĩ: “ Biết lấy gì cảm mến, biết lấy chi báo đền…”. Ma-ri đã dâng hiến cho Chúa tất cả những gì mình có với một trái tim tự nhiên từ đáy lòng. Mặc cho những người chung quanh suy nghĩ gì về việc mình làm. Ma-ri đã trả lời một đáp số đúng trong bài toán cuộc đời về tình nghĩa Thầy –trò, món quà hiến dâng cho Chúa đã được Chúa Jêsus chấp nhận.
 Số dầu trên ban đầu Ma-ri có ý định để dành sử dụng cho riêng mình. Từ khi được dạy    dỗ Ma-ri đã thay đổi mục đích, dành lại  cho ngày ướp xác Chúa Jêsus. Đức Chúa Jêsus  bảo: “ Hãy để cô ấy yên, vì cô ấy đã để dành dầu thơm nầy cho ngày chôn cất Ta. Các con luôn có người nghèo ở với mình, nhưng các con không có Ta mãi đâu.
                                                                                                    ( Giăng 12:1-8 )
 Định tính giá trị của cân dầu cam tùng, ai tính chính xác cho bằng  kẻ yêu tiền: Giu-đa - ích-ca-ri-ốt. Hắn cho biết cân dầu cam tùng  tương đương ba trăm đơ-ni-ê. Theo chúng ta biết một ngày công thời bấy giờ được trả một đơ-ni-ê ( Mat 20:2). Số tiền đó tương đương một người làm việc gần một năm.
    Ngược lại với Ma-ri, Giu-đa -ích-ca-ri-ốt  là một môn đồ của Chúa, đã đi với Chúa nhiều ngày, được Chúa dạy dỗ mọi điều, chứng kiến các phép lạ Chúa Jêsus đã làm. Nhưng những gì Lời Chúa dạy không tồn tại trong Giu-đa –ích-ca-ri-ốt. Vì hắn là kẻ yêu tiền, Phao-lô có viết:“ Vì lòng tham tiền bạc là cội rễ của mọi điều ác, một số người vì đeo đuổi nó mà lìa bỏ đức tin, tự chuốt lấy nhiều nổi đau nhức nhối” ( I Ti-mô-thê 6:10). Giăng viết rất rõ về Giu-đa-ích-ca-ri-ốt: “Nhưng một trong các môn đồ của Đức Chúa Jêsus là Giu-đa-ích-ca-ri-ốt, kẻ sau nầy phản Ngài, nói rằng: “ Sao không bán dầu thơm nầy lấy ba trăm đơ-ni-ê để cho người nghèo? ”Anh ta nói vậy không phải vì quan tâm đến người nghèo, nhưng vì vốn là một tên trộm cướp, lại giữ túi tiền, nên anh ta thường lấy trộm tiền mà người ta bỏ vào đó”. Giu-đa-ích –ca-ri-ốt theo Chúa, nhưng ông không làm theo Lời Chúa dạy; Hành động theo suy nghĩ của mình.

III. Bài học dạy dỗ:
-         Ma-ri đã biểu hiện một niềm tin cơ đốc đúng đắn về sự học tập chăm chú, lắng nghe và nắm hiểu thấu suốt chương trình cứu rỗi của Đức Chúa Trời.
-         Từ sự hiểu biết trọn vẹn đem  đến cho Ma-ri có một đức tin tốt.
-         Qua  hai điều nói trên cho Ma-ri một tâm tình hiến dâng đúng thời điểm, đẹp lòng Chúa.
-         Những gì chúng ta có hãy tiết kiệm, để dành  khi cần  thiết hãy góp phần xây dựng cho công việc Chúa, làm vinh hiển Chúa.
-    Hãy học tập và làm theo Lời Chúa.
------------------------------------------------------------------------------------------

Thứ Bảy, 10 tháng 8, 2013

Người Sa-ma-ri nhơn lành-giảng luận


NGƯỜI SA-MA-RI NHƠN LÀNH.

                                                       MỤC SƯ LÊ VINH THÀNH
  ( Chủ Nhật, ngày 11 tháng 8 năm 2013 tại HT BT ĐLVN)
 Kinh thánh:                                                                              
“Khi ấy, có một luật gia đứng dậy hỏi để thử Đức Chúa Jêsus rằng: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để hưởng sự sống đời đời ?”Ngài đáp: “ Trong luật pháp có chép điều gì? Người đọc và hiểu thế nào? Người ấy thưa: “ Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; Và yêu thương người lân cận như chính mình”. Đức Chúa Jêsus phán: “ Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống”.
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên thưa với Đức Chúa Jêsus: “ Ai là người lân cận tôi? ” Đức Chúa Jêsus đáp: “ Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống, dở chết. Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì đi tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương xót liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. Ngày  hôm sau, ông lấy hai đơ –ni-ê đưa cho chủ quán rồi nói: “ Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, sau khi trở về tôi sẽ hoàn lại. Theo ngươi nghĩ, trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp? Luật gia thưa: “ Ấy là người đã bày tỏ lòng thương xót đối với nạn nhân”. Đức Chúa Jêsus phán: “ Hãy đi, làm theo như vậy”.( Lu-ca 10:25-37)

                                          GIẢNG LUẬN: 

Đạo đức học tôn giáo có điểm tương đồng với đạo đức học dân tộc. Có lẽ, từ những câu chuyện trong Kinh Thánh , đến những giáo lý tôn giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trên nhân loại; Từ lý thuyết cộng hưởng với thực tế trải nghiệm, con người đã đưa ra những luận điểm luân lý dưới các hình thức văn hóa truyền khẩu, nhằm gửi gắm một thông điệp trong đạo đức xã hội. Trong câu chuyện ẩn dụ của Chúa Jêsus khắc họa hình ành về người Sa-ma-ri nhơn lành, cho ta nhớ về tục ngữ của người Việt Nam:“ Thương người như thể thương thân”. Dùng một ẩn dụ để trả lời một câu hỏi và đưa ra một ý tưởng sống, câu chuyện đã có tác động rất lớn về sự kêu gọi tình thương, như vũ khí chính ngôn về đạo đức hơn hai mươi  thế kỷ trôi qua, nhằm chống chia rẻ dân tộc, chống nạn phân biệt chủng tộc và kêu gọi tinh thần giúp đỡ , tương thân, tương ái trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới . Câu chuyện trên từng là một nguồn cảm hứng của một số quốc gia đồng ý miễn thuế cho ai đóng góp vào quỹ từ thiện ở các nhà thờ tôn giáo.
   Chúng ta, đi sâu vào tìm hiểu từng khía cạnh cụ thể của câu chuyện, nhằm tìm lấy một ánh sáng lớn, như phần thưởng mà chúng ta đã nhận được từ Đức Chúa Trời. Từ đó, chúng ta thêm tự hào vì chúng ta đang góp phần nhân rộng hình ảnh người  Sa-ma-ri nhơn lành trong xã hội ngày nay.
Đọc Kinh Thánh bạn phải cần nhờ đến một vài tài liệu viết về phong tục, tập quán và một số tên gọi để chỉ việc làm của người xưa trong dân tộc Y-sơ-ra-ên. Cũng như địa lý, lịch sử  thời bấy giờ.
   Người Sa-ma-ri được biết đến trong Kinh Thánh nhằm bày tỏ một chủng tộc hơn là một tổ chức tôn giáo. Vua A-si-ri tiến chiếm cả xứ Pa-lét-tin và bao vây Sa-ma-ri trong ba năm. Sau đó chiếm Sa-ma-ri và đày dân Y-sơ-ra-ên sang A-si-ri và cho họ định cư tại Cha-la nước Mê-đi ( IICác Vua 17:5-6). Một số ít phụ nữ, trẻ em và dân nghèo còn tồn tại trong xứ Thánh. Vua A-si-ri đem người từ Ba-bi-lôn, Cu-tha, A-va, Ha-mát và Sê-phạt va-im đến định cư trong các thành của Sa-ma-ri ( IICác Vua 17:24). Các bộ tộc nầy mang theo tôn giáo của họ. Dân Y-sơ-ra-ên sót lại xứ Sa-ma-ri kết hôn với họ và trở thành dân Sa-ma-ri với  tôn giáo pha trộn. Khi những người Y-sơ-ra-ên bị bắt đi làm phu tù trở về quê hương để xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem và quốc gia Do-thái, thì những người Do-thái ở Sa-ma-ri cũng tham gia, nhưng họ đã bị người Do-thái phu  tù phản đối và từ chối sự đồng công của họ. Người Do-thái cho rằng người Sa-ma-ri không tinh sạch bởi họ cưới gả và thờ thần của người ngoại quốc. Mâu thuẩn đó phát triển dần và kéo dài trong suốt lịch sử thời Tân Ứơc. Những người Do-thái phu tù trên đường đi từ Ga-li-lê xuống Giu-đa, họ cố tình đi qua sông Giô-đanh không đi qua Sa-ma-ri vì sợ ô uế. Ma-na-se là con trai của thầy tế lễ thượng phẩm Do-thái, đã cưới con gái của một nhân vật có quyền hành ở Sa-ma-ri và đi theo người Sa-ma-ri. Người Sa-ma-ri đã xây dựng đền thờ của họ trên núi Ga-đi-xim thuộc xứ Sa-ma-ri. Họ tôn quý năm cuốn sách Ngũ Kinh của Môi-se trong Cựu Ứơc. Có một số ít dân Do-thái đã bỏ tôn giáo của họ để lên núi thờ thần của người Sa-ma-ri. Chúa Jêsus và người đàn bà Sa-ma-ri được chép trong Tin Lành  Giăng 4:12, Người đàn bà đã nói tổ phụ chúng tôi là Gia-cốp. Tôn giáo khác biệt và sự hòa lẫn huyết thống của người Sa-ma-ri vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hiện họ vẫn còn thờ trên núi Ga-ri-xim.
   Thầy Tế lễ  lần đầu tiên được thiết lập trong sứ vụ lãnh đạo của Môi-se. A-rôn, các con trai và hậu tự của ông được biệt riêng đời đời trong chức tế lễ. Vì tính cha truyền con nối nên thầy tế lễ phải chứng minh tính huyết thống trong dòng họ A-rôn. Công việc chính là trông nom lửa trên bàn thờ của lễ thiêu luôn cháy. Họ có y phục riêng dành cho chức tế lễ. Đi chân không khi vào đền thờ và khi vào đền tạm buộc họ phải rửa tay và chân. Họ được hưởng 1/10 số tiền thuế được nộp cho người Lê-vi. Được nhận bánh trần thiết, và thịt từ của lễ thiêu, lễ chay và của lễ đưa qua đưa lại. Họ cũng được hưởng một phần trong các chiến lợi phẩm. Họ có trách nhiệm dạy luật pháp của Đức Chúa Trời cho con cái của họ, đôi lúc tham gia như một tòa thượng thẩm trong các vụ vụ tranh cãi. Trong xã hội họ tự hào là giai cấp lãnh đạo tôn giáo thánh thiện nhất, đem tình thương Thiên Chúa vào trang bị cho nền pháp luật và đạo đức xã hội. Họ đại diện cho dân sự trong các việc liên quan đến Đức Chúa Trời. Khi không còn làm việc ở đền thờ, các thầy tế lễ hành đạo trong cương vị của một giáo sư Kinh Luật ( II Sử 15:3).
   Người Lê-vi có nhiệm vụ chăm sóc tài sản của đền thờ, lần đầu tiên được xuất hiện trong sứ vụ lãnh đạo của Môi-se. Họ có nhiệm vụ mang hòm giao ước và khí mạnh Thánh khi người Y-sơ-ra-ên di chuyển. Người Lê-vi không được hưởng bất cứ điều gì trong Đất Hứa. Nên họ không có tài sản và ruộng đất, ngược lại họ được ban 48 đồng cỏ cho bầy súc vật, được cung cấp của lễ do dân chúng trả cho họ. Họ như lực lượng bảo vệ của đền thờ và trung gian giữa dân sự với các thầy tế lễ. Họ phục vụ trong tòa công luận, ban lễ tân, ban nhạc trong ca đoàn của đền thờ và một số lễ quan trọng khác.
   Luật gia là người giải thích luật pháp ( Tít 3: 13), thường thì các thầy thông giáo giải thích luật công còn luật gia thì phân tích luật tư. Trong câu chuyện nầy vị luật gia hỏi để thử, và vị nầy đã giống như các các thầy thông giáo và người Pha-ri-si cậy công bình riêng. Có linh  tôn giáo không có sự liên hệ với Đức Chúa Trời. Mục đích dùng luật pháp sở trường về sự hiểu biết của mình để tấn công Chúa Jêsus. Luật gia đặt hai câu hỏi, làm gì để được sự sống đời đời? Và ai là người lân cận tôi?
“Khi ấy, có một luật gia đứng dậy hỏi để thử Đức Chúa Jêsus rằng: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để hưởng sự sống đời đời ?”Ngài đáp: “ Trong luật pháp có chép điều gì? Người đọc và hiểu thế nào? Người ấy thưa: “ Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; Và yêu thương người lân cận như chính mình”. Đức Chúa Jêsus phán: “ Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống”. ( Lu-ca 10: 25-28).
Tâm lý luật gia hỏi để thử - biểu hiện một thái độ đạo đức giả và tỏ vẻ coi thường Chúa Jêsus. Chứ không phải hỏi để học. Câu hỏi đặt cho chúng ta có sự liên tưởng trong câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi Chúa Jêsus trong Lu-ca 18: 18-30. Ở đây, Chúa Jêsus trả lời trong phong cách của một Giáo Sư Nước Trời hỏi một người có am hiểu về luật pháp trong ý thức văn tự. Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc và hiểu thế nào?
Sau câu trả lời, Chúa Jêsus đáp: Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống.
Nghĩa là: Về mặt lý thuyết điều đó đúng và căn dặn: Phải thể hiện bằng việc làm, bằng hành động. Cụ chế hóa luật lệ Nước Trời.
   “ Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên thưa với Đức Chúa Jêsus: “ Ai là người lân cận tôi? ” ( Lu-ca 10: 29).
Chúa Jêsus không trả lời trực tiếp, mà Ngài bày tỏ ý tưởng bằng một ẩn dụ, để động não, suy nghĩ và tìm giải pháp để minh định câu trả lời. Ai là người lận cận? Chúa Jesus đặt trọng tâm đối tượng chính là người Sa-ma-ri. Cần phải sống và hành động như người Sa-ma-ri trong câu chuyện ẩn dụ. Ở đây, bao quanh Chúa Jêsus là người Do-thái, những người đang để ý lắng nghe từng Lời của Chúa. Ngài chọn chủ đề cần hòa hợp giữa các dân tộc, chính sự hòa hợp mới tạo sức mạnh cộng đồng. Chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Người Sa-ma-ri đã bị người Do-thái khinh miệt, tránh xa, bài xích. Thậm chí còn muốn họ bị tuyệt chủng. Sự tồn tại của người Sa-ma-ri đã bị người Do-thái xem như không có liên quan gì với họ.
Suốt 3 năm trong chức vụ truyền giáo Chúa Jêsus đã bị người Pha-ri-si và các thầy thông giáo tố cáo và buộc tội Ngài gần gũi với phường thâu thuế và những người tội lỗi. Trong ẩn dụ nầy Chúa Jêsus đã khẳng định tại sao Ngài phải hành động như thế. “ Đức Chúa Jêusu đáp: “Người khỏe mạnh không cần thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm, Ta  không đến để  gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn” ( Lu-ca 5: 31-32).
“Đức Chúa Jêsus đáp: “ Có một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống, dở chết” ( Lu-ca 10: 30) Người bị rơi vào tay bọn cướp là một người không được kể có tên tuổi, có họ hàng, có địa vị, là ai, dân tộc nào… Là người đồng loại đang bị tổn thương về thể xác và tâm linh. Là người dở sống, dở chết, họ đang bị khinh miệt, đang cần những sự thương xót từ đồng loại. Họ đang cần sự an ủi, khích lệ, cứu vớt. Họ không cần những lý thuyết thông tuệ của các lãnh tụ tôn giáo. Đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem đến thành Giê-ri-cô trong thực tế chỉ dài hơn 20 km nhưng rất nhiều bọn cướp bóc.
“Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì đi tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương xót liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. Ngày  hôm sau, ông lấy hai đơ –ni-ê đưa cho chủ quán rồi nói: “ Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, sau khi trở về tôi sẽ hoàn lại. Theo ngươi nghĩ, trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp? Luật gia thưa: “ Ấy là người đã bày tỏ lòng thương xót đối với nạn nhân”. Đức Chúa Jêsus phán: “ Hãy đi, làm theo như vậy”( Lu-ca 10: 30-37).
Ba người cùng thấy một nạn nhân bị thương, cả ba đều có công việc riêng tư của mình. Hai người thầy tế lễ và người Lê-vi đang nói về đạo đức, là nhà hoạt động tôn giáo nhưng không hành động, họ sợ  có liên quan rắc rối, và đó cũng không phải là việc của họ, mặc dù họ đang rao giảng về đạo đức. Chúa Jesus đã từng quở họ: Nói nhưng không làm.  Người Sa-ma-ri bị Do-thái khinh miệt kia, họ có lòng thương xót, dừng lại lấy dầu để xức nhằm giảm đau và dùng rượu để sát trùng vết thương. Họ bỏ tiền ra, chấp nhận tốn kém và nhờ người trong quán trọ săn sóc, hứa sẽ trở lại và thanh toán số tiền chi phí trong việc săn sóc người bị thương.
Trong ẩn dụ trên những người Cơ đốc đầu tiên suy nghĩ rằng: A-Đam chính là người đàn ông bị kẻ cướp đánh đập, cũng là loài người đang bị sa ngã. Kẻ cướp chính là quyền lực tối tăm, sa tan. Giê-ru-sa-lem là Thiên đàng, Giê-ri-cô là địa ngục. Thầy tế lễ, người Lê-vi là linh tôn giáo. Quán trọ là Hội Thánh, Người  Sa-ma-ri nhơn lành là Chúa Jêsus đã bị người Do-thái tiêu diệt. Dầu là Lời của Chúa, có tác dụng giảm nổi đau nhân loại, an ủi người bị tổn thương;  Rượu là hành động đạo đức cụ thể và là đời sống của cơ đốc nhân trong Hội Thánh.ngày nay.  Quán trọ là Hội Thánh. Hội Thánh là nơi săn sóc người bị tổn thương. Hội Thánh là nơi Đức Chúa Jesus giao những người bị tổn thương để chúng ta dùng Lời Chúa chăm sóc họ và đời sống phước hành của chúng ta giúp đỡ họ xa rời lối sống thế gian. Hội Thánh đã được Chúa ban phước và sẽ được trả thưởng khi Chúa Jêsus trở lại. Hình ảnh của Người Sa-ma-ri nhơn lành là hình ảnh của Chúa Cứu Thế Jêsus. Và ngày nay Chúa muốn mỗi Cơ đốc nhân là người Sa-ma-ri nhơn lành.
Cả hai câu hỏi Chúa Jêsus đều có kết luận: “Hãy đi, làm theo như vậy”
Kết luận:
Ai cũng cần có tình yêu thương và sự giúp đỡ. Tình yêu thương từ trái tim đến trái tim. Chúa muốn chúng ta yêu đồng loại như chính trái tim mình. Ở đây, sự thương xót luôn đi kèm với sự tốn kém thời gian và tiền bạc. Nhưng những gì tưởng như mất kia lại được chính Đức Chúa Trời ban phước lại. Nếu mọi người làm theo Lời Chúa thì xã hội luôn tốt hơn. Sự ban cho bao giờ cũng có phước hơn là nhận lãnh. Chung quanh chúng ta có rất nhiều người đang bị dở sống dở chết về thuộc linh. Họ đang trên đường xuống địa ngục, nếu chúng ta không đem Tin Lành cứu rỗi đến cho họ, thì thật là một điều đáng tiếc.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
                   





Thứ Năm, 1 tháng 8, 2013

Chúa Jêsus nộp thuế-giảng luận


CHÚA JÊSUS NỘP THUẾ

                                                 Mục sư LÊ VINH THÀNH
( Chia sẻ Chủ Nhật ngày 28/7/2013 tại HT Báp-Tít Độc Lập Việt Nam).

“ Cả hội đồng đứng dậy giải Ngài đến trước Phi-lát. Họ bắt đầu tố cáo Ngài rằng: “ Chúng tôi đã phát hiện người nầy xúi giục dân chúng nổi loạn, ngăn cấm chúng tôi nộp thuế cho Sê-sa và xưng mình là Đấng Christ, là Vua” ( Lu-ca 23:1-2).

  1.  Chúa Jêsus có ngăn cấm nộp thuế cho Sê-sa ?
     a. Đóng thuế cho đền thờ:
         “ Khi đến thành Ca-bê-na-um, những người thu thuế đền thờ đến hỏi Phi-e-rơ : “ Thầy các anh có nộp thuế không ?” Phi-e-rơ đáp: “ Có” Khi Phi-e-rơ vào nhà Đức Chúa Jêsus hỏi người trước:  “ Si-môn ơi, con nghĩ sao? Các vua thế gian bắt ai làm sưu, đóng thuế? Các con trai mình hay người ngoài. Phi-e-rơ thưa: “ Người ngoài”. Ngài phán rằng: “ Vậy thì các con trai được miễn”. Nhưng để khỏi tạo cớ vấp phạm cho họ, con hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào mắc câu đầu tiên, mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc. Hãy lấy đồng bạc ấy đóng thuế cho Ta với con” ( Ma-thi-ơ 17: 24-27).
   b.Hoàn cảnh lịch sử thời Chúa Jêsus xuất hiện: ( Từ 63 TC và 600 SC)
         Do-thái nằm dưới sự cai trị của Đế Quốc La-mã. Đế quốc La-mã thực thi chính sách dùng người bản xứ để cai trị người bản xứ. Do vậy, họ cử Antipater, người xứ Ê-đôm làm tổng trấn toàn vùng. Sau đó, con trai của Antipater kế thừa và tự xưng là Hê-rốt Đại Vương. Chính vị vua nầy đã ra lịnh giết tất cả các bé trai từ hai tuổi trở xuống tại thành Bết-le-hem và các vùng phụ cận. ( Ma-thi-ơ 2:16). Hơn 30 năm sau một người con trai của ông là Hê-rốt Antipas đã giết Giăng Báp-tít ( ( Mác 6:14-29). Và chế giễu Chúa Jêsus ( Lu-ca 23:7-12). 14 năm sau cháu nội của Hê-rốt Đại Vương là Hê-rốt Ac-rip-ba  I giết sứ đồ Gia-cơ ( Công 12:1-2), 16 năm sau nữa chắc nội của Hê-rốt Đại Vương là Ac-rip-ba  II đã xét xử Phao-lô ( Công 25:13-16).
      c. Luận về thuế:
          Dân chúng Do-thái thời ấy phải đóng thuế cho hai quyền lực: Tôn giáo và chính quyền. Đóng thuế cho Đền thờ để nuôi sống giai cấp tăng lữ và xây dựng-trùng tu đền thờ. Đóng thuế cho đế quốc La-mã để nuôi chính quyền Hê-rốt và  cơ quan công quyền của đế quốc La-mã.
Thuế là gì trong định nghĩa ngày nay? Theo Wikipedia Thuế hay thu ngân sách nhà nước là việc Nhà nước dùng quyền lực của mình để tập trung một phần nguồn tài chính quốc gia hình thành quỹ Ngân sách nhà nước nhằm thỏa mãn các nhu cầu của Nhà nước.
Thuế là số tiền thu của các công dân, hoạt động và đồ vật (như giao dịch, tài sản) nhằm huy động tài chính cho chính quyền, nhằm tái phân phối thu nhập, hay nhằm điều tiết các hoạt động kinh tế - xã hội.
Đóng thuế vừa là quyền lợi được thực thi trách nhiệm công dân đóng góp cho sự phát triển phồn vinh của đất nước, vừa là nghĩa vụ phải thực hiện của mỗi công dân.
   -  Thuế Đền thờ:   Thời ấy, nam giới trên 20 tuổi phải đóng thuế cho Đền thờ, khoảng 1/2 Siếc-lơ Ga-li-lê (ngoại trừ phụ nữ, trẻ em và nô lệ được miễn) ( Xuất 30:13-14 ). Kể cả những người Do-thái sống ngoài lãnh thổ Pa-lét-tin. Lúc bấy giờ  có nhiều loại tiền tệ lưu thông trên nền tài chính Do-thái. Nhưng việc đóng thuế cho Đền thờ phải bằng chính tiền Do-thái. Đóng các loại tiền khác xem như ô uế.
 “ Si-môn ơi, con nghĩ sao? Các vua thế gian bắt ai làm sưu, đóng thuế? Các con trai mình hay người ngoài. Phi-e-rơ thưa: “ Người ngoài". Chúa đã nêu lên một tình nghĩa Phụ-Tử. Thiên Chúa không đòi hỏi ở con mình.
Và đặc biệt các Rabi  được miễn thuế. Như vậy, Chúa Jêsus cũng là Rabi –tức là Thầy dạy luật pháp Nước Trời. ( Giăng 18:20) Nhưng người Do-thái đã không thừa nhận  vai trò Rabi của Chúa Jêsus.Cho nên họ đã nhận phần thuế của Ngài. Dân Do-thái trung tín trong việc nộp thuế cho Đền thờ, vì không nộp thuế họ sợ gây cớ vấp phạm cho đồng bào vì chống lại luật tổ tiên và sự cố tình ly khai Y-sơ-ra-ên.Ở một phương diện khác, đóng thuế cho đền thờ để cho người Do-thái giáo không chỉ trích người Cơ đốc giáo bỏ trách nhiệm trong tinh thần dân tộc. Về ý nghĩa,việc đóng thuế của Chúa Jêsus đã góp phần xây dựng đức tin đúng đắn cho Cơ đốc nhân ngày nay. 
" Nhưng để khỏi tạo cớ vấp phạm cho họ, con hãy ra biển câu cá, bắt lấy con cá nào mắc câu đầu tiên,    mở miệng nó ra, sẽ thấy một đồng bạc. Hãy lấy đồng bạc ấy đóng thuế cho Ta với con” ( Ma-thi-ơ 17: 27”.
Phi-e-rơ là ngư phủ, việc bắt cá không mấy khó khăn, Chúa Jêsus đã dùng sở trường của Phi-e-rơ để thực hiện một phép lạ. Cho Phi-e-rơ biết rằng Ngài có quyền năng. Trong thế quyền Ngài đủ tư cách để miễn thuế.Gửi thông điệp: Sống trong thế gian nhưng không thuộc về thế gian. 
Chúa Jêsus không chống lại việc đóng thuế cho đền thờ. 
   2. Chúa Jêsus có ngăn cấm dân Do-thái nộp thuế cho Sê-sa:
    a. Kinh Thánh: 13 Sau đó họ sai một số người Pha-ri-si và một số người của Hê-rốt đến gài bẫy để Ðức Chúa Jêsus lỡ lời. 14 Họ đến với Ngài và nói, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và không thiên vị ai, vì Thầy không cả nể ai, nhưng cứ theo chân lý dạy dỗ đường lối của Ðức Chúa Trời. Có nên nộp thuế cho Sê-sa không?Chúng tôi nên nộp hay không nên nộp?”15 Nhưng khi thấy vẻ đạo đức giả của họ, Ngài nói với họ, “Tại sao các ngươi muốn thử Ta? Hãy đem cho Ta xem một đồng tiền.”16 Họ đưa cho Ngài một đồng tiền. Ngài hỏi họ, “Hình ảnh và danh hiệu nầy của ai?”Họ trả lời Ngài, “Của Sê-sa.”17 Ðức Chúa Jêsus nói với họ, “Hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa, và hãy trả cho Ðức Chúa Trời những gì của Ðức Chúa Trời.” Họ đều sững sờ về câu trả lời của Ngài.
       b. Hai nhóm khác biệt:
           Những kẻ gài bẫy Chúa Jêsus đến từ hai nhóm khác biệt, họ giữ lấy những niềm tin đối ngược nhau.
        -         Người Pharisi: Là một hội đoàn tôn giáo, quan tâm đến phong tục truyền thống cổ của người Do-thái.  Là những nhà bảo thủ tôn giáo của thời buổi ấy. Họ thiên về với luật pháp, trong đó họ tìm cách giữ lấy từng chữ của Luật pháp Đức Chúa Trời sao cho thật trọn vẹn. Họ kiêu ngạo và cậy công bình riêng. Họ không có mối liên hệ nào với Đức Chúa Trời. Chúa Jêsus đã nhiều lần quở trách họ.Quan điểm chính trị họ thuộc chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Cam chịu dưới sự cai trị của đế quốc La-mã để dễ bề hoạt động tôn giáo, nhưng cũng rất muốn tìm cách thoát ra.
        -          Đảng Hêrốt là một đảng chính trị giữa vòng những người Do thái, ủng hộ Vua Hêrốt. Họ là nhóm hưởng lợi ích vì cớ sự chiếm đóng của người Lamã.  La-mã cai quản xứ sở của họ, dân chúng Do-thái  được tự do tôn giáo, chính đảng Hê-rốt được bảo hộ của đế quốc La-mã. Họ tìm cách đưa văn hóa La-mã vào Y-sơ-ra-ên, và chống đối người Do-thái  chống nghịch đế quốc La-mã.
      Hai nhóm nầy là hai cực đối lập, họ đến với nhau vì mục tiêu chung: Tìm cách giết Chúa Jêsus ( Mác 3:6).
      Trong thế quyền Chúa Jêsus đi con đường không cùng với họ. Không chủ trương bạo động. “…Ai cầm gươm thì sẽ chết vì gươm” ( Ma-thi-ơ 26:52). Chúa Jêsus có mối quan hệ với Đức Chúa Trời, có mối quan hệ với người lân cận theo tình yêu thương. Có hình thức tổ chức quản trị không phải bằng thống trị, cai trị hay mệnh lệnh mà là đầy tớ cho anh em mình ( Ma-thi-ơ 20:26). Yêu thương kẻ thù nghịch, cầu nguyện cho kẻ bắt bớ. Trong số họ về sau  bỏ quan điểm chính trị và tôn giáo của họ, đi theo đường hướng của Chúa Jêsus. Trong số 12 môn đồ của Chúa Jêsus có  Si-môn Xê-lốt người Ca-na-an, là một thành viên của đảng phái chính trị có lòng ái quốc cuồng nhiệt, tin tưởng sự độc lập của Y-sơ-ra-ên và bất hợp tác với đế quốc La-mã. Chúa Jêsus phục sinh đã “tái sinh” đời sống của ông, và sử dụng lòng nhiệt thành của ông cho công việc Nước Trời.. Một nhân vật thứ hai là nhân viên thuế vụ Ma-thi-ơ (Ma-thi-ơ 10:3). Dân Do-thái rất ghét các viên chức thuế vụ vì làm tay sai cho đế quốc La-mã. Ma-thi-ơ đã được Chúa Jêsus dạy dỗ đúng đắn trở thành môn đồ của Ngài.. Điều đó cho thấy đạo đức và quyền năng của Chúa Jêsus trong sứ vụ rao giảng Tin Lành của Nước Trời đã vượt xa  tôn giáo và chính nghĩa của các đảng phái chính trị  đương thời. Về sau Phao-lô cũng là một thành viên tích cực của nhóm Pha-ri-si đã bị Chúa Jêsus phục sinh bắt phục, trở thành một người học trò xuất sắc trong việc đem Tin Lành đến cho dân ngoại.
      c. Vương Quốc Thiên Đàng:
     "  Họ đến với Ngài và nói, “Thưa Thầy, chúng tôi biết Thầy là người chân thật và không thiên vị ai, vì Thầy không cả nể ai, nhưng cứ theo chân lý dạy dỗ đường lối của Ðức Chúa Trời. Có nên nộp thuế cho Sê-sa không?Chúng tôi nên nộp hay không nên nộp?”15 Nhưng khi thấy vẻ đạo đức giả của họ, Ngài nói với họ, “Tại sao các ngươi muốn thử Ta? Hãy đem cho Ta xem một đồng tiền.”16 Họ đưa cho Ngài một đồng tiền. Ngài hỏi họ, “Hình ảnh và danh hiệu nầy của ai?”Họ trả lời Ngài, “Của Sê-sa.”17 Ðức Chúa Jêsus nói với họ, “Hãy trả cho Sê-sa những gì của Sê-sa, và hãy trả cho Ðức Chúa Trời những gì của Ðức Chúa Trời.” Họ đều sững sờ về câu trả lời của Ngài.
      Hình ảnh và danh hiệu trên đồng tiền thể hiện vương quốc trên đất của đế quốc La-mã. Một thế lực quyền bính của thế quyền. Nhưng đồng thời Chúa Jêsus cũng công bố một Vương Quyền với vị Vua Đời Đời,  vị Vua không chỉ giới hạn của thời gian và không gian, mà là Đức Chúa Trời đáng tôn thờ.Ngài là Vua tạo ra loài người, đang dẫn dắt loài người và là Đấng tạo nên lịch sử của nhân loại.
     " Chính Ta là Đấng dùng quyền năng lớn lao và cánh tay giang ra mà tạo dựng trái đất, loài người và loài thú trên mặt đất và ban đất ấy cho ai tùy ý Ta" ( Giê-rê-mi 27:5).
    "  Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa phế lập các vua" ( Đa-ni-ên 2:21a)
     3. Kết luận:
          Chúa Jêsus không chống đối nộp thuế cho đền thờ, nhà nước, mà còn công bố một nhà nước tồn tại trong sự thật, nhà nước vượt trên thế quyền, thống trị thế quyền và vĩnh hằng: Tồn tại đời đời.Vương Quốc của Đức Chúa Trời.
-----------------------------