NGƯỜI SA-MA-RI NHƠN LÀNH.
MỤC SƯ LÊ VINH THÀNH
( Chủ Nhật, ngày 11 tháng 8 năm 2013 tại HT BT
ĐLVN)
Kinh thánh:
“Khi ấy, có một luật gia đứng dậy hỏi để thử Đức
Chúa Jêsus rằng: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để hưởng sự sống đời đời ?”Ngài
đáp: “ Trong luật pháp có chép điều gì? Người đọc và hiểu thế nào? Người ấy
thưa: “ Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến
Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; Và yêu thương người lân cận như chính mình”. Đức
Chúa Jêsus phán: “ Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống”.
Nhưng ông ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên
thưa với Đức Chúa Jêsus: “ Ai là người lân cận tôi? ” Đức Chúa Jêsus đáp: “ Có
một người từ thành Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp.
Chúng lột hết quần áo và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống, dở chết.
Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường đó, thấy nạn nhân thì đi
tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người Lê-vi cũng đến nơi, thấy
rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người Sa-ma-ri đi đường, đến gần
thấy nạn nhân thì động lòng thương xót liền áp lại, lấy dầu và rượu xức vào vết
thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật của mình và đưa đến quán trọ
để săn sóc. Ngày hôm sau, ông lấy hai đơ
–ni-ê đưa cho chủ quán rồi nói: “ Hãy săn sóc người nầy, nếu tốn hơn nữa, sau
khi trở về tôi sẽ hoàn lại. Theo ngươi nghĩ, trong ba người đó, ai là người lân
cận với kẻ bị cướp? Luật gia thưa: “ Ấy là người đã bày tỏ lòng thương xót đối
với nạn nhân”. Đức Chúa Jêsus phán: “ Hãy đi, làm theo như vậy”.( Lu-ca 10:25-37)
GIẢNG
LUẬN:
Đạo đức học tôn giáo có điểm tương đồng với đạo đức
học dân tộc. Có lẽ, từ những câu chuyện trong Kinh Thánh , đến những giáo lý
tôn giáo đã ảnh hưởng sâu rộng trên nhân loại; Từ lý thuyết cộng hưởng với thực
tế trải nghiệm, con người đã đưa ra những luận điểm luân lý dưới các hình thức
văn hóa truyền khẩu, nhằm gửi gắm một thông điệp trong đạo đức xã hội. Trong
câu chuyện ẩn dụ của Chúa Jêsus khắc họa hình ành về người Sa-ma-ri nhơn lành,
cho ta nhớ về tục ngữ của người Việt Nam :“ Thương người như thể thương
thân”. Dùng một ẩn dụ để trả lời một câu hỏi và đưa ra một ý tưởng sống, câu
chuyện đã có tác động rất lớn về sự kêu gọi tình thương, như vũ khí chính ngôn về
đạo đức hơn hai mươi thế kỷ trôi qua,
nhằm chống chia rẻ dân tộc, chống nạn phân biệt chủng tộc và kêu gọi tinh thần
giúp đỡ , tương thân, tương ái trong cộng đồng các dân tộc trên thế giới . Câu
chuyện trên từng là một nguồn cảm hứng của một số quốc gia đồng ý miễn thuế cho
ai đóng góp vào quỹ từ thiện ở các nhà thờ tôn giáo.
Chúng ta,
đi sâu vào tìm hiểu từng khía cạnh cụ thể của câu chuyện, nhằm tìm lấy một ánh
sáng lớn, như phần thưởng mà chúng ta đã nhận được từ Đức Chúa Trời. Từ đó,
chúng ta thêm tự hào vì chúng ta đang góp phần nhân rộng hình ảnh người Sa-ma-ri nhơn lành trong xã hội ngày nay.
Đọc Kinh Thánh bạn phải cần nhờ đến một vài tài liệu
viết về phong tục, tập quán và một số tên gọi để chỉ việc làm của người xưa
trong dân tộc Y-sơ-ra-ên. Cũng như địa lý, lịch sử thời bấy giờ.
Người
Sa-ma-ri được biết đến trong Kinh Thánh nhằm bày tỏ một chủng tộc hơn là một tổ
chức tôn giáo. Vua A-si-ri tiến chiếm cả xứ Pa-lét-tin và bao vây Sa-ma-ri
trong ba năm. Sau đó chiếm Sa-ma-ri và đày dân Y-sơ-ra-ên sang A-si-ri và cho
họ định cư tại Cha-la nước Mê-đi ( IICác Vua 17:5-6). Một số ít phụ nữ, trẻ em
và dân nghèo còn tồn tại trong xứ Thánh. Vua A-si-ri đem người từ Ba-bi-lôn,
Cu-tha, A-va, Ha-mát và Sê-phạt va-im đến định cư trong các thành của Sa-ma-ri
( IICác Vua 17:24). Các bộ tộc nầy mang theo tôn giáo của họ. Dân Y-sơ-ra-ên sót
lại xứ Sa-ma-ri kết hôn với họ và trở thành dân Sa-ma-ri với tôn giáo pha trộn. Khi những người Y-sơ-ra-ên
bị bắt đi làm phu tù trở về quê hương để xây dựng đền thờ Giê-ru-sa-lem và quốc
gia Do-thái, thì những người Do-thái ở Sa-ma-ri cũng tham gia, nhưng họ đã bị
người Do-thái phu tù phản đối và từ chối
sự đồng công của họ. Người Do-thái cho rằng người Sa-ma-ri không tinh sạch bởi
họ cưới gả và thờ thần của người ngoại quốc. Mâu thuẩn đó phát triển dần và kéo
dài trong suốt lịch sử thời Tân Ứơc. Những người Do-thái phu tù trên đường đi
từ Ga-li-lê xuống Giu-đa, họ cố tình đi qua sông Giô-đanh không đi qua Sa-ma-ri
vì sợ ô uế. Ma-na-se là con trai của thầy tế lễ thượng phẩm Do-thái, đã cưới
con gái của một nhân vật có quyền hành ở Sa-ma-ri và đi theo người Sa-ma-ri.
Người Sa-ma-ri đã xây dựng đền thờ của họ trên núi Ga-đi-xim thuộc xứ Sa-ma-ri.
Họ tôn quý năm cuốn sách Ngũ Kinh của Môi-se trong Cựu Ứơc. Có một số ít dân
Do-thái đã bỏ tôn giáo của họ để lên núi thờ thần của người Sa-ma-ri. Chúa
Jêsus và người đàn bà Sa-ma-ri được chép trong Tin Lành Giăng 4:12, Người đàn bà đã nói tổ phụ chúng
tôi là Gia-cốp. Tôn giáo khác biệt và sự hòa lẫn huyết thống của người Sa-ma-ri
vẫn tồn tại cho đến ngày nay, hiện họ vẫn còn thờ trên núi Ga-ri-xim.
Thầy Tế lễ lần đầu tiên được thiết lập trong sứ vụ lãnh
đạo của Môi-se. A-rôn, các con trai và hậu tự của ông được biệt riêng đời đời
trong chức tế lễ. Vì tính cha truyền con nối nên thầy tế lễ phải chứng minh
tính huyết thống trong dòng họ A-rôn. Công việc chính là trông nom lửa trên bàn
thờ của lễ thiêu luôn cháy. Họ có y phục riêng dành cho chức tế lễ. Đi chân
không khi vào đền thờ và khi vào đền tạm buộc họ phải rửa tay và chân. Họ được
hưởng 1/10 số tiền thuế được nộp cho người Lê-vi. Được nhận bánh trần thiết, và
thịt từ của lễ thiêu, lễ chay và của lễ đưa qua đưa lại. Họ cũng được hưởng một
phần trong các chiến lợi phẩm. Họ có trách nhiệm dạy luật pháp của Đức Chúa
Trời cho con cái của họ, đôi lúc tham gia như một tòa thượng thẩm trong các vụ
vụ tranh cãi. Trong xã hội họ tự hào là giai cấp lãnh đạo tôn giáo thánh thiện
nhất, đem tình thương Thiên Chúa vào trang bị cho nền pháp luật và đạo đức xã
hội. Họ đại diện cho dân sự trong các việc liên quan đến Đức Chúa Trời. Khi
không còn làm việc ở đền thờ, các thầy tế lễ hành đạo trong cương vị của một
giáo sư Kinh Luật ( II Sử 15:3).
Người Lê-vi
có nhiệm vụ chăm sóc tài sản của đền thờ, lần đầu tiên được xuất hiện trong sứ
vụ lãnh đạo của Môi-se. Họ có nhiệm vụ mang hòm giao ước và khí mạnh Thánh khi
người Y-sơ-ra-ên di chuyển. Người Lê-vi không được hưởng bất cứ điều gì trong
Đất Hứa. Nên họ không có tài sản và ruộng đất, ngược lại họ được ban 48 đồng cỏ
cho bầy súc vật, được cung cấp của lễ do dân chúng trả cho họ. Họ như lực lượng
bảo vệ của đền thờ và trung gian giữa dân sự với các thầy tế lễ. Họ phục vụ
trong tòa công luận, ban lễ tân, ban nhạc trong ca đoàn của đền thờ và một số
lễ quan trọng khác.
Luật gia là
người giải thích luật pháp ( Tít 3: 13), thường thì các thầy thông giáo giải
thích luật công còn luật gia thì phân tích luật tư. Trong câu chuyện nầy vị
luật gia hỏi để thử, và vị nầy đã giống như các các thầy thông giáo và người
Pha-ri-si cậy công bình riêng. Có linh tôn giáo không có sự liên hệ với Đức Chúa
Trời. Mục đích dùng luật pháp sở trường về sự hiểu biết của mình để tấn công
Chúa Jêsus. Luật gia đặt hai câu hỏi, làm gì để được sự sống đời đời? Và ai là
người lân cận tôi?
“Khi ấy, có một luật gia đứng dậy hỏi để thử Đức
Chúa Jêsus rằng: “ Thưa Thầy, tôi phải làm gì để hưởng sự sống đời đời ?”Ngài
đáp: “ Trong luật pháp có chép điều gì? Người đọc và hiểu thế nào? Người ấy
thưa: “ Ngươi phải hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực, hết tâm trí mà kính mến
Chúa là Đức Chúa Trời ngươi; Và yêu thương người lân cận như chính mình”. Đức
Chúa Jêsus phán: “ Ngươi đáp phải lắm. Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống”. (
Lu-ca 10: 25-28).
Tâm lý luật gia hỏi để thử - biểu hiện một thái độ
đạo đức giả và tỏ vẻ coi thường Chúa Jêsus. Chứ không phải hỏi để học. Câu hỏi
đặt cho chúng ta có sự liên tưởng trong câu chuyện người thanh niên giàu có hỏi
Chúa Jêsus trong Lu-ca 18: 18-30. Ở đây, Chúa Jêsus trả lời trong phong cách của
một Giáo Sư Nước Trời hỏi một người có am hiểu về luật pháp trong ý thức văn
tự. Trong luật pháp có chép điều gì? Ngươi đọc và hiểu thế nào?
Sau câu trả lời, Chúa Jêsus đáp: Ngươi đáp phải lắm.
Hãy làm điều đó thì ngươi sẽ sống.
Nghĩa là: Về mặt lý thuyết điều đó đúng và căn dặn:
Phải thể hiện bằng việc làm, bằng hành động. Cụ chế hóa luật lệ Nước Trời.
“ Nhưng ông
ấy muốn chứng tỏ mình là công chính nên thưa với Đức Chúa Jêsus: “ Ai là người
lân cận tôi? ” ( Lu-ca 10: 29).
Chúa Jêsus không trả lời trực tiếp, mà Ngài bày tỏ ý
tưởng bằng một ẩn dụ, để động não, suy nghĩ và tìm giải pháp để minh định câu
trả lời. Ai là người lận cận? Chúa Jesus đặt trọng tâm đối tượng chính là người
Sa-ma-ri. Cần phải sống và hành động như người Sa-ma-ri trong câu chuyện ẩn dụ.
Ở đây, bao quanh Chúa Jêsus là người Do-thái, những người đang để ý lắng nghe
từng Lời của Chúa. Ngài chọn chủ đề cần hòa hợp giữa các dân tộc, chính sự hòa
hợp mới tạo sức mạnh cộng đồng. Chống phân biệt chủng tộc, tôn giáo. Người
Sa-ma-ri đã bị người Do-thái khinh miệt, tránh xa, bài xích. Thậm chí còn muốn
họ bị tuyệt chủng. Sự tồn tại của người Sa-ma-ri đã bị người Do-thái xem như
không có liên quan gì với họ.
Suốt 3 năm trong chức vụ truyền giáo Chúa Jêsus đã
bị người Pha-ri-si và các thầy thông giáo tố cáo và buộc tội Ngài gần gũi với
phường thâu thuế và những người tội lỗi. Trong ẩn dụ nầy Chúa Jêsus đã khẳng
định tại sao Ngài phải hành động như thế. “ Đức Chúa Jêusu đáp: “Người khỏe
mạnh không cần thầy thuốc đâu, nhưng là người đau ốm, Ta không đến để
gọi người công chính, nhưng gọi kẻ có tội ăn năn” ( Lu-ca 5: 31-32).
“Đức Chúa Jêsus đáp: “ Có một người từ thành
Giê-ru-sa-lem xuống thành Giê-ri-cô rơi vào tay bọn cướp. Chúng lột hết quần áo
và đánh đập rồi bỏ đi, để mặc người đó dở sống, dở chết” ( Lu-ca 10: 30) Người
bị rơi vào tay bọn cướp là một người không được kể có tên tuổi, có họ hàng, có
địa vị, là ai, dân tộc nào… Là người đồng loại đang bị tổn thương về thể xác và
tâm linh. Là người dở sống, dở chết, họ đang bị khinh miệt, đang cần những sự
thương xót từ đồng loại. Họ đang cần sự an ủi, khích lệ, cứu vớt. Họ không cần
những lý thuyết thông tuệ của các lãnh tụ tôn giáo. Đoạn đường từ Giê-ru-sa-lem
đến thành Giê-ri-cô trong thực tế chỉ dài hơn 20 km nhưng rất nhiều bọn cướp
bóc.
“Bấy giờ, có một thầy tế lễ tình cờ đi xuống đường
đó, thấy nạn nhân thì đi tránh qua bên kia đường. Tương tự như thế, một người
Lê-vi cũng đến nơi, thấy rồi cũng tránh qua bên kia mà đi. Nhưng có một người
Sa-ma-ri đi đường, đến gần thấy nạn nhân thì động lòng thương xót liền áp lại,
lấy dầu và rượu xức vào vết thương, băng bó lại, rồi đỡ nạn nhân lên con vật
của mình và đưa đến quán trọ để săn sóc. Ngày
hôm sau, ông lấy hai đơ –ni-ê đưa cho chủ quán rồi nói: “ Hãy săn sóc
người nầy, nếu tốn hơn nữa, sau khi trở về tôi sẽ hoàn lại. Theo ngươi nghĩ,
trong ba người đó, ai là người lân cận với kẻ bị cướp? Luật gia thưa: “ Ấy là
người đã bày tỏ lòng thương xót đối với nạn nhân”. Đức Chúa Jêsus phán: “ Hãy
đi, làm theo như vậy”( Lu-ca 10: 30-37).
Ba người cùng thấy một nạn nhân bị thương, cả ba đều
có công việc riêng tư của mình. Hai người thầy tế lễ và người Lê-vi đang nói về
đạo đức, là nhà hoạt động tôn giáo nhưng không hành động, họ sợ có liên quan rắc rối, và đó cũng không phải là
việc của họ, mặc dù họ đang rao giảng về đạo đức. Chúa Jesus đã từng quở họ:
Nói nhưng không làm. Người Sa-ma-ri bị
Do-thái khinh miệt kia, họ có lòng thương xót, dừng lại lấy dầu để xức nhằm
giảm đau và dùng rượu để sát trùng vết thương. Họ bỏ tiền ra, chấp nhận tốn kém
và nhờ người trong quán trọ săn sóc, hứa sẽ trở lại và thanh toán số tiền chi
phí trong việc săn sóc người bị thương.
Trong ẩn dụ trên những người Cơ đốc đầu tiên suy
nghĩ rằng: A-Đam chính là người đàn ông bị kẻ cướp đánh đập, cũng là loài người
đang bị sa ngã. Kẻ cướp chính là quyền lực tối tăm, sa tan. Giê-ru-sa-lem là
Thiên đàng, Giê-ri-cô là địa ngục. Thầy tế lễ, người Lê-vi là linh tôn giáo.
Quán trọ là Hội Thánh, Người Sa-ma-ri
nhơn lành là Chúa Jêsus đã bị người Do-thái tiêu diệt. Dầu là Lời của Chúa, có
tác dụng giảm nổi đau nhân loại, an ủi người bị tổn thương; Rượu là hành động đạo đức cụ thể và là đời sống của cơ đốc nhân trong Hội
Thánh.ngày nay. Quán trọ là Hội Thánh. Hội Thánh là nơi săn sóc người bị tổn thương. Hội Thánh là nơi Đức Chúa Jesus giao những người bị tổn thương để chúng ta dùng Lời Chúa chăm sóc họ và đời sống phước hành của chúng ta giúp đỡ họ xa rời lối sống thế gian. Hội
Thánh đã được Chúa ban phước và sẽ được trả thưởng khi Chúa Jêsus trở lại. Hình
ảnh của Người Sa-ma-ri nhơn lành là hình ảnh của Chúa Cứu Thế Jêsus. Và ngày
nay Chúa muốn mỗi Cơ đốc nhân là người Sa-ma-ri nhơn lành.
Cả hai câu hỏi Chúa Jêsus đều có kết luận: “Hãy đi,
làm theo như vậy”
Kết luận:
Ai cũng cần có tình yêu thương và sự giúp đỡ. Tình
yêu thương từ trái tim đến trái tim. Chúa muốn chúng ta yêu đồng loại như chính
trái tim mình. Ở đây, sự thương xót luôn đi kèm với sự tốn kém thời gian và
tiền bạc. Nhưng những gì tưởng như mất kia lại được chính Đức Chúa Trời ban
phước lại. Nếu mọi người làm theo Lời Chúa thì xã hội luôn tốt hơn. Sự ban cho
bao giờ cũng có phước hơn là nhận lãnh. Chung quanh chúng ta có rất nhiều người
đang bị dở sống dở chết về thuộc linh. Họ đang trên đường xuống địa ngục, nếu
chúng ta không đem Tin Lành cứu rỗi đến cho họ, thì thật là một điều đáng tiếc.
--------------------------------------------------------------------------------------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Lưu ý: Chỉ thành viên của blog này mới được đăng nhận xét.